Có thể bạn sở hữu đội ngũ nhân viên có năng lực, thế nhưng năng suất làm việc của họ lại không cao. Mặt khác, có những công ty cho dù không có được những nhân viên giỏi nhất nhưng họ lại biết cách giúp nhân viên phát huy hết khả năng của mình. Vậy bí quyết của họ là gì? Câu trả lời dành cho bạn nằm ở cách tạo động lực làm việc cho nhân viên của mình.
Bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn những bí quyết nhằm thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên, giúp họ đạt được năng suất làm việc tốt nhất. Từ đó giúp doanh nghiệp của bạn phát triển bền vững hơn.
Luôn có những lời khen ngợi dành cho nhân viên
Có thể bạn chưa biết, những khoản tiền thưởng có thể khiến nhân viên cảm thấy phấn chấn ngay lúc đó, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, cảm giác ấy dần dần bị lu mờ và hiệu quả khen thưởng của cấp trên không còn tác dụng. Thay vào đó, những lời khen ngợi, động viên đúng lúc có thể khiến nhân viên cảm thấy công sức làm việc của mình được công nhận. Đừng tiết kiệm lời khen dành cho nhân viên của mình, có thể họ hoàn thành xuất sắc hay chỉ đạt một nửa thì đó cũng là động lực để họ tiếp tục phấn đấu cho những nhiệm vụ sắp tới.
Ngoài ra, việc khen thưởng từng tháng, từng quý với những món quà ghi nhận dành cho nhân viên xuất sắc cũng là điều mà doanh nghiệp nên làm. Việc này tuy nhỏ nhưng lại có tác động mạnh mẽ kích thích sự hưng phấn làm việc cho nhân viên, giúp họ cố gắng làm việc, nâng cao hiệu quả hơn.
- Đãi ngộ công bằng
Trong tập thể làm việc, sự công bằng giữa các nhân viên là điều cần thiết. Bạn nên có chế độ lương, thưởng xứng đáng với công sức làm việc mà họ đã bỏ ra. Mức lương mà nhân viên nhận được phải tương xứng với năng lực, thời gian làm việc của họ. Có như vậy doanh nghiệp mới có thể nhận được sự tận tâm làm việc của nhân viên.
- Lắng nghe những mối bận tâm riêng của nhân viên
Cuộc sống mỗi người không chỉ xoay quanh công việc mà còn gia đình, người thân và bạn bè của họ. Nếu cấp trên biết quan tâm, chia sẻ đến những mối bận tâm riêng của nhân viên như lắng nghe đưa ra ý kiến đóng góp, giải quyết những khó khăn,… trong cuộc sống thì họ sẽ toàn tâm toàn ý để làm việc hơn. Ngoài ra, việc này còn giúp gắn kết các mối quan hệ trong công ty, từ đó nhân viên không còn khoảng cách đối với sếp và bạn dễ dàng nhận được những chia sẻ, đóng góp hữu ích từ nhân viên của mình.
- Tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn cho nhân viên
Có thể nhân viên của bạn có năng lực, thế những năng lực đó không được khám phá, mở rộng nên họ không thể phát huy hết khả năng của mình. Việc tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn cho nhân viên sẽ giúp họ hoàn thành công việc tốt hơn, đồng thời giúp giữ chân người tài cho công ty bạn.
Lúc này cấp trên là người phải biết đánh giá năng lực của từng nhân viên để phát hiện ai là người ưu tú, sẽ có đóng góp cho công ty để có kế hoạch đào tạo phù hợp.
Việc đào tạo có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như chia sẻ tài liệu, các khóa học để họ tự bồi dưỡng hoặc tổ chức các khóa đào tạo nội bộ trong công ty, cử người tham gia các lớp học bên ngoài,…
- Xây dựng tập thể bình đẳng trong việc bày tỏ quan điểm
Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên bày tỏ quan điểm của mình chính là chìa khóa giúp nâng cao hiệu suất và kết quả kinh doanh. Bạn nên bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình đối với từng nhân viên cũng như lắng nghe ý kiến, mong muốn của họ một cách bình đẳng, không nên có sự phân biệt giữa người này với người khác. Những ý kiến mang tính tích cực cần được ghi nhận, có như vậy bạn mới có thể khuyến khích nhân viên cởi mở hơn trong việc đóng góp ý kiến của mình. Đây là một trong những cách tạo động lực làm việc cho nhân viên mà cấp trên cần biết.
- Đặt niềm tin vào năng lực của nhân viên
Nếu bạn không tin tưởng rằng nhân viên của mình có thể làm tốt công việc của họ thì rất có thể khiến nhân viên rơi vào cảm giác chán nản, tự ti, từ đó làm việc một cách cẩu thả, qua loa. Cho nên, bạn cần trao niềm tin của mình vào năng lực của họ cũng như để họ biết được điều đó. Trong trường hợp cần nhắc nhở, sửa đổi, bạn nên giải thích rõ ràng cũng như có những hướng dẫn cụ thể đến nhân viên.
- Tạo môi trường làm việc năng động, thoải mái
Một môi trường làm việc luôn luôn căng thẳng, mệt mỏi sẽ khiến nhân viên cảm thấy nặng nề, tù túng và tất nhiên bạn không thể yêu cầu nhân viên làm việc hết mình với tâm trạng đó được. Chính vì thế, ngoài những thời gian làm việc nghiêm túc, cật lực, bạn nên thường xuyên tổ chức những buổi dã ngoại, liên hoan hay tiệc nhẹ giữa giờ,… để nhân viên có thể thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngoài ra, bố trí phòng làm việc với cây xanh, vật dụng trang trí,… cũng là gợi ý tạo môi trường làm việc thoải mái hơn.
Trên đây là một số gợi ý giúp bạn tạo động lực làm việc cho nhân viên của mình. Một khi tinh thần làm việc được nâng cao, không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giữ chân nhân tài.
Bài kế tiếp: Có nên nghỉ việc khi chưa có việc mới hay không